Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam chưa cho phép ủ chín trái cây bằng hóa chất. Trên thực tế, các trái mít non và xanh đã được tiêm một loại hóa chất có tên etatron để thúc chín nhanh.
Mít non, xanh bên trong vẫn chín đều
Hiện tại các chợ lớn nhỏ của Hà Nội quanh năm bán mít, các xe hàng rong cũng bán mít khắp các phố phường khiến người dân được ăn mít quanh năm.
Khi hỏi về nguồn gốc của các loại mít này, người bán hàng chỉ giải thích: “Mít miền Nam ra quả 4 mùa nên mới có mít ăn thoải mái”. Giá một kg mít bóc múi sẵn là 35-40 ngàn đồng, còn mít chưa bóc là 20-22 ngàn đồng.
Bên ngoài mít rất xanh, gai nhọn, cứng, dày nhưng bên trong lại chín vàng rất đều. Cơ quan quản lý đã phát hiện việc sử dụng hóa chất ethaphon để thúc mít chín nhanh (Ảnh: N.A)
Quan sát những quả mít còn nguyên vẹn lớp vỏ bên ngoài, chúng tôi nhận thấy vỏ mít cứng, xanh non chứ không chuyển màu nâu, gai mít dày, nhọn, cứng và thân không tỏa ra mùi hương ngào ngạt như mít chín tự nhiên.
Tuy nhiên, toàn bộ bên trong các múi đều chín vàng, kể cả trong trường hợp có những quả mít bổ ra múi rất nhỏ do chưa đạt đến tuổi thu hoạch.
TS Nguyễn Văn Khải (hay còn được gọi là “Ông già Ôzôn), một chuyên gia về nuôi trồng rau quả sạch cho biết với mắt thường, người tiêu dùng không thể phân biệt được mít nào bị tiêm hóa chất thúc cho chín ép, mít nào không.
Nhưng với nhiều năm kinh nghiệm, ông cho biết: Mít bị tiêm hóa chất thì múi chín, ăn vẫn ngọt như thường nhưng phần ngoài bị sượng. Có quả bị tiêm thuốc quá tay nên chín nhũn, nẫu hết ruột.
“Quả mít chín tự nhiên thì thân rất mềm, mắt mít nở ra, gai không nhọn và thưa so với lúc còn xanh, có quả chín quá còn bị nứt, mùi rất thơm. Một quả mít mà gai nhọn, cứng, dày thì không thể có chuyện chín một cách bình thường”, TS Khải nói.
Tiêm hóa chất thúc mít chín ép
Theo TS Khải, từ trước đến nay người trồng mít và cả người buôn mít không còn dùng cách giấm mít thông thường là quây kín lại rồi dùng hương thơm đốt lên để ủ. Cách này khiến mít chín không nhanh, không đều và không ngọt.
Hóa chất Trung Quốc được dùng để giúp các loại quả chín nhanh (Ảnh: CAND)
Thay vào đó, để mít chín, người trồng có thể tiêm nhiều loại hóa chất khác nhau thuộc nhóm etilen hoặc metilen để kích thích mít chín nhanh, nồng độ ít hay nhiều còn phụ thuộc vào sự am hiểu của người tiêm, tuy nhiên hiện nay việc sử dụng hóa chất này rất tùy tiện, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết cách đây một thời gian đã rộ lên thông tin mít (và một số loại trái cây khác) được tiêm hóa chất để kích thích chín ép và Cục đã tiến hành kiểm tra, phát hiện hóa chất được sử dụng là ethaphon.
Theo ông Hồng, tại Việt Nam ethaphon chưa được phép sử dụng để làm chín trái cây, tuy nhiên, bản chất của loại hóa chất này là “an toàn” nếu dùng với liều lượng nhỏ!
“Việc chưa được phép sử dụng không đồng nghĩa với việc chất đó là độc hại. Các Hội đồng khoa học của Bộ hiện đang đề xuất thực hiện mấy đề tài nghiên cứu ủ trái cây bằng hóa chất để đưa việc này vào diện quản lý”, ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, Việt Nam rất yếu trong lĩnh vực này nhưng thế giới nhiều nơi đã thực hiện rất hiệu quả, nhất là Trung Quốc. Một số nước còn khuyến khích doanh nghiệp dùng thuốc để ủ chín trái cây, với điều kiện thuốc đó phải được kiểm định và nằm trong danh mục cho phép (nếu có).
Tuy nhiên, ông Hồng cũng khẳng định dù “an toàn” nhưng do chưa được cấp phép sử dụng, hầu hết thuốc được nhập lậu từ Trung Quốc nên vẫn là hành động vi phạm pháp luật. Hiện nay, Việt Nam chưa cho phép sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào để ủ chín trái cây.
Mận cũng bị tiêm thuốc kích thích để chín ép?
TS Khải cũng lưu ý đối với một loại hoa quả đang rộ vào thời điểm hiện tại là mận. Theo ông, thông thường mận chín tự nhiên rộ nhất vào tầm tháng 6, đặc biệt vào thời điểm cuối tháng 6. Tuy nhiên, từ cách đây khoảng 2 tháng, khi mà mận vừa vào mùa thì trên thị trường đã xuất hiện nhiều nơi bán mận chín đỏ.
“Chín đỏ nhưng chín không đều, đó là do mận xanh bị thu hoạch sớm rồi giấm thuốc. Nhiều nơi còn hái mận xanh đem bán, đến nơi bán mới giấm thuốc để mận không dập nát. Người trồng mận muốn mận bán được giá, muốn giữ được mận đẹp lâu nên đã làm cách này, rất nguy hại đến sức khỏe”, TS Khải nói.
Theo Ngọc Anh
Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét