(VTC News) - Việc lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM nhận lương tiền tỷ đang gây bão dư luận trong những ngày gần đây.
Gần đây, dư luận dậy sóng khi biết mức lương của giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM là 2,6 tỷ đồng/năm – cao gấp 41 lần lương người lao động. Ngoài ra, lương của chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty này là 1,6 tỷ đồng/năm; lương của giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng 2,2 tỷ đồng/năm, Chủ tịch Hội đồng Thành viên 2,4 tỷ đồng/năm... Những con số trên đã khiến hàng triệu người Việt Nam thực sự kinh ngạc. Đắng lòng khi đọ lương còm cõi
Chia sẻ trên các diễn đàn, rất nhiều ý kiến độc giả bày tỏ bất bình khi mức thu nhập cao bất thường này lại xuất phát từ việc chi thưởng sai cho đội ngũ quản lý. Độc giả Ngô Quang Tuyến viết: “Tôi làm việc ở công ty TNHH một thành viên huyện. Làm việc cả thứ 7+ chủ nhật, đêm, bão… không bao giờ có mặt ở nhà mà lương của tôi bây giờ mới chỉ có: 2,65 * 115000= 3047500 + 900.000 (tiền ăn ca trưa) = 3.947.500 đồng, trừ bảo hiểm xã hội, trừ tiền công đoàn còn lại khoảng 3.500.000 đồng”. Trong khi đó, độc giả Đình Nam cho biết: “Một năm lương của các vị hơn cả đời dạy học của tôi. Ngày nay, giàu nghèo thấy rõ quá”. Độc giả Khanh Nguyen tâm sự: “Mình là công chức nhà nước đã 3 năm rồi, lương 2,9 triệu (đã bao gồm phụ cấp 25%). Nhìn lương các bác ấy mà mình đau lòng quá”. Độc giả Đặng Lịch cho hay: “Tôi là Tiến sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú, Trưởng khoa, giáo viên kiêm nhiệm tại một trường Đại học có tiếng, đã có 36 năm làm việc trong ngành Y tế mà lương cũng chỉ có 12 triệu/tháng”. Cư dân mạng có biệt danh Zi zu chia sẻ: “Tính ra 1 tháng lương của các ông ấy bằng cả 5 năm làm việc không ăn xài của công nhân may giày như chúng tôi (lương chỉ 3,3 triệu đồng/tháng). Thật khủng khiếp!”. Cùng cảnh ngộ, độc giả Hà viết: “Mình ra trường và làm kế toán cho 1 công ty đã được 2 năm mà lương hiện tại của mình giờ cũng chỉ được 4 triệu đồng. Trong khi đó, mình còn phải nuôi con nhỏ, thuê nhà trọ, không biết bao giờ mới khá, mới có chỗ cho những người có thu nhập quá thấp như mình”. Sau hàng loạt sự so sánh “khập khiễng”, hầu hết cư dân mạng đều đi tới một kết luận giống quan điểm của độc giả TNT. TNT cho rằng, nếu như vị lãnh đạo đó bỏ vốn cá nhân ra kinh doanh thì lương cao nữa cũng kệ. Vấn đề là dùng tiền của Nhà nước, mà tiền của Nhà nước tức là tiền thuế của dân. Không thể vượt khung, vượt sàn lung tung thế được. Một góc nhìn khác Phản pháo lại các quan điểm bị xem là có chút ghen tị của các cư dân mạng trên, thành viên Hùng viết: “Theo tôi thà trả lương cao còn hơn trả thấp để tiêu cực. Làm lãnh đạo công ty tầm cỡ vậy mà lương không bằng nhân viên công ty nước ngoài thì coi sao được?!”. Đồng tình với Hùng, một độc giả có tên Hiền chia sẻ: “Thầy dạy toán cấp 3 của mình thu nhập gần 200 triệu đồng/tháng. Những người này ở vị trí cao như vậy thì thu nhập mức đó có gì lạ đâu. Cũng xứng công sức lao động họ bỏ ra thôi”. Phân tích những phát ngôn của Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam về vấn đề này, độc giả Võ Phan Anh viết: “Theo như bộ trưởng Đam nói, tôi đã hiểu vì sao nhân tài ít chịu làm việc tại các cơ quan Nhà nước, hoặc chấp nhận làm, nhưng thu nhập gấp nhiều lần không nhờ vào lương. Trách nhiệm phải đi đôi với quyền lợi. Quy định Nhà nước như vậy thì cần phải thay đổi, thà trả lương cao chứ đừng để xảy ra tham nhũng. Cái cần xác định trong chuyện này là các vị chủ tịch ấy có làm tốt nhiệm vụ của họ hay không, thu nhập như vậy có xứng đáng hay không”. Ủng hộ độc giả Võ Phan Anh, độc giả tên Cường cho rằng, về luật như bộ trưởng nói hoàn toàn chính xác. Nhưng cần xem xét lại tính thực tiễn của nó xem có còn phù hợp không. Là lãnh đạo một công ty, không phân biệt nhà nước hay tư nhân, nếu công ty làm ăn tốt, họ xứng đáng được hưởng mức thu nhập cao như vậy. "Có như thế mới kích thích được người lao động nói chung và các bộ phận lãnh đạo nói riêng làm việc. Với tôi, quan điểm cào bằng là một trong những yếu tố đang kìm hãm sự phát triển của Việt Nam”, độc giả Cường bình luận.
Trong khi đó, độc giả Tiến Lê Huỳnh bày tỏ: “Tôi không quan tâm mấy ông đó nhận lương bao nhiêu. Tôi chỉ quan tâm cách lãnh đạo và hiệu quả công việc của họ thôi”. Cả Văn Nhã và Minh Châu đều đồng tình với quan điểm: “Những người này có tổng thu nhập cao, nhưng có quyết toán thuế đoàng hoàng. Không quyết toán thuế mới đáng sợ. Còn lương hơn 7 triệu đồng/tháng, nhưng lậu nhiều. Nhiều khi 11 – 12h đêm vẫn thấy họ làm ngoài đường đấy thôi. Quan trọng là Nhà nước thanh tra và có kết luận cuối cùng xem có sai phạm hay không chứ cứ thấy lương cao mà dìm xuống là thua”. Độc giả Lê Đại Nghĩa nhấn mạnh: “Chúng ta nên khuyến khích trả lương cao cho những người xứng đáng, còn những người chỉ biết "há miệng chờ sung", sáng đến cơ quan đọc báo, lướt web, ăn bám vào ngân sách nhà nước thì lương 1 triệu đồng hay 2 triệu đồng cũng là quá cao”. Độc giả Pinpin VietNam viết: “Tóm lại, nếu chỉ nghe thấy người ta có thu nhập, lương cao hơn mình, hơn người và lấy cớ đó là "Doanh nghiệp Nhà nước" nên giật đùng đùng lên, đòi trả bớt lại để đảm bảo "công bằng xã hội" mà không căn cứ vào thực tế, luật pháp là không có tình cũng chả có lý”. Phải tịch thu và kiểm điểm Một cuộc khẩu chiến nảy lửa đã nổ ra giữa những luồng ý kiến trái chiều của cư dân mạng. Nhiều người cho rằng, nếu so sánh như độc giả Hùng là khập khiễng vì đó là công ty công ích Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp nước ngoài hay công ty TNHH. “Thầy dạy toán cấp 3 có thu nhập cao thì cũng là thu nhập ngoài (dạy thêm) thôi chứ không phải từ đồng lương hay thưởng từ doanh nghiệp nhà nước. Mà đã là thu nhập ngoài thì xã hội này còn nhiều người có thu nhập khủng hơn nhiều.Làm ơn cũng đừng so sánh với lương nước ngoài vì trình độ, tác phong làm việc khác hẳn nhau. Mặt khác, mặt bằng lương chung ở Việt Nam không cao, nhân sự Việt Nam làm tại Việt Nam dĩ nhiên chịu thiệt thòi hơn", độc giả Hưng phản pháo. “Nước thì liên tục tăng giá, gặp sự cố, đường ngập như sông mỗi khi có mưa, trong khi kinh phí tu sửa không có, phải vận động nhân dân đóng góp. Thế mà doanh nghiệp vẫn có quỹ thưởng hàng tỷ đồng. Căn cứ chia thưởng của lãnh đạo các doanh nghiệp này ở đâu nếu như kết quả công việc của họ không mang lại công ích cho số đông người dân?", một độc giả giấu tên bình luận. “Không chỉ là truy thu, mà cần phải truy tố. Đây rõ ràng là ngân sách cấp xuống, dù tiết kiệm được cũng không thể chia nhau chứ chưa nói đến việc kết quả không thấy đâu mà tiền thì đầy túi”, độc giả Lê Quang Sơn nhấn mạnh. Độc giả Chipheo lại cho rằng, việc cần thiết là xác định xem đã hưởng lương vượt quá quy định bao nhiêu năm chứ không phải chỉ năm nay, đã sai thì cần phải tịch thu và kiểm điểm.
Đường phố TP.HCM vẫn ngập lụt liên miên nhưng lãnh đạo của đơn vị chống ngập vẫn lĩnh lương tiền tỷ. (Ảnh: internet) |
Lương thời vụ của công nhân cây xanh TP.HCM chỉ 3-5 triệu đồng/tháng |
Người lao động bình thường phải làm cả trăm năm
Bạn Nguyễn Văn Thiện tốt nghiệp đại học Sư Phạm, ra trường công tác gần 10 năm. Lương hiện nay đã trừ bảo hiểm và các khoản khác còn lại 2.670.000 đồng/tháng, con số này nhân với 166,6 năm thì mới bằng lương 1 năm của hai vị giám đốc Cty thoát nước và chiếu sáng.
Bạn nói mình cảm thấy ngậm ngùi khi đọc thông tin trên.
Bạn đọc Trần Anh Dũng mong rằng phải có cơ chế giám sát về cách chi trả lương ở các DNNN và các DNNN đã cổ phần hóa hầu như không có. Với phương châm "quyền tự chủ của GĐ và HĐQT" các ông này làm mưa làm gió trên "Thị trường trả công và tuyển dụng" và tự cho mình quyền được hưởng mức lương....trên trời
Bạn đọc Nguyễn Trọng Thuần cho rằng lương GĐ, PGĐ càng cao thì thành phố càng ngập sâu, khi mà đường phố thủ đô cứ mưa là ngập hay chuyện người dân sống quen với cảnh nước ngập đường phố rồi.Không thể chấp nhận!
Bạn đọc Nguyễn Minh Hồng lại đặt câu hỏi phải chăng đây mới chỉ là một số phần nổi thôi, còn những phần chìm khác thực sự dân thường còn lâu mới biết !!!!!!
Bạn Tran Tu lại cho rằng, ai cũng thấy đó là mức lương khủng, bất hợp lý nhưng nó đã tồn tại từ lâu. Ở nhiều nơi, khi giao các công ty này cho tư nhân quản lý (dạng CP nhà nước 50%, tư nhân 50% hoặc tương tự) thì số tiền giót vào đây rất lớn, lớn hơn nhiều trước đây mặc dù những chuyển biến về cấp thoát nước, môi trường đô thị thì chuyển biến không nhiều.
Tran Tu còn bức xúc chia sẻ, cần có các cơ quan chức năng cần thanh, kiểm tra triệt để tình trạng này trong cả nước, liệu có vi phạm pháp luật??? Đất nước đang trong giai đoạn khó khăn nhưng sự lãng phí, quan liêu, tham nhũng vẫn rất phổ biến, chỉ khổ dân phải ngày ngày nộp đủ các loại thuế, còn quan chức thì ăn chơi nghênh ngang không cần ý tứ chi hết!!!
Một bạn đọc tự nhận là người lái xe ôm ở Quận 4 (TP.HCM) cho rằng, cần phải tư nhân hóa hết mấy Cty này, nhà nước còn thu được tiền từ thuế. Dân hưởng được dịch vụ chất lượng, mà không phải gồng lưng gánh vác thua lỗ của mấy ông độc quyền này
TRong khi đó:
Lương Thủ tướng 17 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Trả lời câu hỏi về mức lương 200 triệu đồng/tháng của một số lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích ở TPHCM mới được công bố vừa qua, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định việc chi lương như vậy là sai quy định.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: "Lãnh đạo DNNN nhận lương 200 triệu đồng/tháng là không đúng quy định, cần xử lý".
Nói về cơ chế tiền lương của các viên chức nhà nước làm quản lý trong DNNN, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định việc này trước nay được quản lý rất chặt chẽ. Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 86 về vấn đề này. Năm 2012, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi. Sau đó, Chính phủ ban hành 2 Nghị định số 50 và 51 vào khoảng giữa năm 2013 quy định chặt chẽ về cách thức hạch toán lương, mức lương của các viên chức quản lý trong DNNN.
Các nghị định này điều chỉnh cụ thể từ mức tập đoàn, tới TCTy, các DNNN khác với mức lương quy định rõ ràng cho các chức danh như Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, kế toán trưởng… trong mỗi doanh nghiệp. Mức cao nhất áp dụng đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn là 36 triệu đồng/tháng.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định, cuối năm, nếu doanh nghiệp có thành tích kinh doanh tốt, lãi cao có thể thưởng thêm nhưng mức thưởng cũng không thể quá 1,5 lần.
Đối chiếu với việc GĐ Cty TNHH một thành viên Thoát nước TPHCM, GĐ Cty chiếu sáng đô thị TPHCM… nhận lương năm 2012 ở mức 2,2-2,6 tỷ đồng (tức trên dưới 200 triệu đồng/tháng), Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhận định là không đúng quy định, cần xử lý theo pháp luật.
“Khi báo chí lên tiếng về vụ việc, Chính phủ sẽ có văn bản yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương thực hiện chặt quản lý chế độ tiền lương theo tiêu chuẩn, quy định. Ai sai thì phải xử lý theo quy định” – Bộ trưởng Đam nói rõ.
Với đề nghị so sánh mức lương “khủng” của các lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích ở TPHCM này với lương của người đứng đầu Chính phủ, ông Đam cho biết nguyên tắc chung, lương của các lãnh đạo Đảng, nhà nước được tính theo hệ số lương công chức. Mức lương có hệ số cao nhất trong hệ thống là 14 lần lương cơ bản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không phải người được hưởng mức hệ số cao nhất này.
Kiểm tra lại thông tin cụ thể sau đó, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, lương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hệ số 12,5. Cộng tất cả các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm, tổng số lương Thủ tướng nhận mỗi tháng chỉ hơn 17 triệu đồng (đã trừ tiền đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét