Với 111 ca tử vong do sởi, Việt Nam chưa công bố dịch nhưng ở Philippines, nước bạn đã công bố dịch khi con số tử vong là 23. Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các trường hợp cần thiết.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho hay, hiện nay do các địa phương thấy rằng dịch sởi vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố dịch...
Liên quan đến dịch sởi đang bùng phát mạnh trong những ngày qua, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 7.000 bệnh nhân ở 61 tỉnh, thành phố nhiễm bệnh sởi. Trong đó, 108 trường hợp trẻ tử vong do sởi và các bệnh lây nhiễm khác liên quan đến sởi.
Các trường hợp tử vong được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhiệt đới.
Ông Phu cũng cho biết thêm, hiện nay tình trạng quá tải dịch sởi chỉ xảy ra ở các bệnh viện thuộc Hà Nội. Còn các tỉnh thành vẫn chưa bùng phát về dịch sởi nhiều. Dịch vẫn trong tầm kiểm soát của địa phương.
"Sởi được xếp vào dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương.
Hiện nay, do các địa phương thấy rằng dịch sởi vẫn đang trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Khi có hai tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao", ông Phu nói.
Cho đến nay, theo thống kê của ngành Y tế đã có trên 108 trẻ tử vong do dịch sởi.
Còn theo ông Nguyễn Văn Kính, GĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, người phát ngôn về bệnh sởi của Bộ Y tế thì việc, công bố hay không công bố dịch sởi phải có ba yếu tố.
"Thứ nhất số bệnh nhân tăng gấp nhiều lần so với trung bình 5 năm, thứ hai là virut có biến đổi chủng hoặc độc lực tăng lên, thứ ba là quá tầm kiểm soát của địa phương.
Nhưng hiện nay, người mắc bệnh tăng hơn so với 2 năm vừa rồi chứ còn 5 năm cộng dồn lại thì không tăng nhiều hơn. Hiện nay, chỉ ở Hà Nội quá tải nếu công bố hay không tùy vào địa phương. Địa phương công bố chứ Bộ Y tế không công bố trong phạm vi toàn quốc được", ông Kính cho biết.
Trước sự hoang mang của dư luận về con số tử vong do sởi và cho rằng Bộ Y tế đang cố tính giấu con số thực tế, ông Kính khẳng định rằng: “108 trường hợp tử vong là chúng tôi rà soát lại, 25 ca chết do sởi. Còn những ca công bố thêm là những trường hợp xảy ra trên những cơ địa như tim bẩm sinh, bại não hoặc những trường hợp nhiềm trùng từ trước.
Những ca này liên quan đến sởi thôi chứ không phải chết do sởi. Tỷ lệ tử vong so các nước xung quanh không nhiều. Nhưng tất cả ca nặng của phía Bắc dồn về. Tử vong chủ yếu ở viện Nhi, các nơi khác không có tử vong".
Trước đó, chiều 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm bệnh nhi mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
Trong cuộc họp tại BV Nhi Trung ương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Tổ chức y tế thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo tiếp tục tiêm chủng theo phác đồ cũ (mũi 1 cho trẻ 9 tháng tuổi, mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi).
Cũng trong chiều 16/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch sởi, chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và chết do bệnh sởi
copyright IloveYou ViệtNam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét