Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Mỗi người dân đang gánh nợ 1,5 triệu đồng cho Vinashin

"Sự cố Vinashin đã được cảnh báo sớm về kết quả quản lý yếu kém, tiêu cực, nhưng vì có biểu hiện bao che, ưu ái, nuông chiều nên cái u, cái nhọt lâu ngày đã vỡ tung để lại hậu quả hết sức nặng nề. Tổng vay nợ có thể lên đến con số 120 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi công dân Việt Nam từ lớn đến bé, từ người giàu đến người nghèo phải gánh nợ cho Vinashin khoảng 1,5 triệu đồng"- Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đã nhận định như vậy tại diễn đàn Quốc hội sáng 1/11.



Đề nghị lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm các thành viên Chính phủ
Một trong những điểm nóng trong buổi thảo luận tại hội trường và được truyền hình trực tiếp sáng nay là các vấn đề xung quanh Vinashin.
Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) khẳng định, từ nhiều năm nay Đảng và Nhà nước ta có chủ trương rất đúng đắn là cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, qua đó tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ĐB Cuông cho rằng vấn đề này chưa được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Trái lại ở một số nơi đã cố níu bám mô hình khép kín ấy để hình thành các nhóm lợi ích, để bảo vệ quyền lợi riêng của mình họ đã tìm mọi cách cản trở tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
"Hệ lụy để Vinashin sụp đổ thảm hại như hôm nay cũng là điều dễ hiểu, có điều để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thế nếu ở các nước, chính Phủ hoặc ít ra có vài ba vị trí đã phải lên tiếng xin từ chức rồi, nhưng ở nước ta thì chưa. Cho nên cử tri kiến nghị tại kỳ họp này, Quốc hội cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách ngành, Bộ trưởng Bộ chủ quản, Thủ trưởng các Bộ, ngành chức năng có liên quan, chứ không thể nêu chung chung như nội dung các Báo cáo của Chính phủ" - ĐB Cuông nói.
Cũng về vấn đề Vinashin, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho biết, tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng - món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1.000 tỷ đồng một năm phải làm quần quật không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt, một thế kỷ mới trả nổi. Theo ĐB Thuyết, đối với đồng bào nhiều nơi nhất là nông thôn, miền núi thì trả món nợ khổng lồ này có nghĩa là chậm làm đường, làm cầu, xây trường, xây bệnh viện... những nhu cầu rất thiết yếu của cuộc sống đồng bào.
"Sai phạm trong chỉ đạo điều hành thì đã rõ. Nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là ngoài lãnh đạo Vinashin còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này. Báo cáo của Chính phủ cho biết Chính phủ có trách nhiệm và đã nghiêm túc kiểm điểm, nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu trong trường hợp này các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội - cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình. Không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm". - ĐB Thuyết nói.
ĐB Thuyết nhắc lại vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm: "Vì nuông chiều, luôn áp dụng những siêu cơ chế cho công ty của Lã Thị Kim Oanh dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và 2 vị Thứ trưởng đã phải ra trước vành móng ngựa. Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần".
"Căn cứ Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này. Trên cơ sở đó vào thời gian cuối kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Ủy ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra" - ĐB Thuyết đề nghị.
Chia sẻ thông tin này, ĐB Lê Văn Cuông cũng tán thành ý kiến ĐB Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Quốc hội tại kỳ họp này cần thành lập Ủy ban lâm thời theo quy định của pháp luật, để điều tra xác làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan qua vụ tiêu cực ở Vinashin, nhằm ngăn chặn kịp thời, hữu hiệu các tập đoàn kinh tế lũng loạn Nhà nước.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng ngay trước thềm Đại hội Đảng đã xảy ra sự kiện Vinashin là một biến cố quan trọng trong lịch sử hình thành và hoạt động của các tập đoàn kinh tế Việt Nam và đề nghị Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề về các vấn đề này.
"Sau sự kiện Vinashin liệu sẽ còn những Vinashin nào khác trong số các tập đoàn kinh tế và tổng công ty của chúng ta. Các lỗ hổng về luật pháp và thể chế quản lý các tập đoàn kinh tế và các công ty sẽ được khắc phục như thế nào. Những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc buông lỏng quản lý để gây ra hậu quả nghiêm trọng của Vinashin phải được truy cứu trách nhiệm thế nào cho công minh...? - ĐB Đáng đặt câu hỏi
Quốc hội cũng có trách nhiệm
Bàn về hoạt động của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên ) khẳng định chủ trương của Đảng về thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế Nhà nước là đúng đắn, hợp với xu hướng quốc tế và có bước đi thận trọng phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Theo ĐB Nga, tuy là thí điểm nhưng các tập đoàn của chúng ta đều được thành lập chính thức, là một chủ thể quan trọng của nền kinh tế. Nhưng ngay từ giai đoạn đầu tiên năm 2005, chúng ta đã bỏ qua bước thể chế hóa thành quy phạp pháp luật mà chỉ dùng các quyết định cá biệt để thành lập từng tập đoàn. Cuối năm 2009 Quốc hội tiến hành giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
"Do đó, nếu chỉ một Tập đoàn không thành công sẽ kéo theo cả những dây chuyền và có ảnh hưởng lớn đến các cân đối kinh tế, đến uy tín quốc gia, đến người lao động và Vinashin hiện nay là một minh chứng điển hình. Việc chúng ta thí điểm ngay trên phạm vi rất rộng với nhiều lĩnh vực trọng yếu và gần đây lại càng mở rộng là vấn đề rất đáng cân nhắc, nhiều luật gia cho rằng việc thí điểm liên quan đến hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn Nhà nước mà về mặt pháp luật ngay từ đầu chúng ta lại không ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội với tư cách là thiết chế quyền lực Nhà nước cao nhất để cùng chia sẻ trách nhiệm mà chỉ đặt trách nhiệm quá nặng nề lên vai Chính phủ là chưa thật hợp lý" - ĐB Nga nói.
ĐB Nga kiến nghị, ngoài Vinashin, Quốc hội và Chính phủ cho kiểm toán, thanh tra toàn bộ hoạt động của các tập đoàn kinh tế Nhà nước còn lại, nhất là đối với Tập đoàn điện lực, trên cơ sở đó báo cáo với Quốc hội toàn diện về tổ chức và hoạt động của các tập đoàn thí điểm. Nếu khẳng định thành công thì đề nghị Quốc hội sửa luật để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tập đoàn kinh tế Nhà nước.
ĐB này cũng đề nghị hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về thực trạng kinh doanh vốn Nhà nước, thực trạng bảo toàn và phát triển giá trị vốn và tài sản thuộc sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp; sớm báo cáo Quốc hội kết quả tổng kết mô hình Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước ...
Quỳnh Trang

copyright IloveYou ViệtNam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...