Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Chuyện kể của ông cụ 3 lần đạp xe xuyên Việt vì tình yêu Việt Nam

"Nếu được nói một điều gì đó về mình, tôi nghĩ tôi là một người hạnh phúc. Ở cái tuổi 80 này khi nhìn lại những năm tháng đã đi qua tôi không còn tiếc nuối điều gì…", cụ Xuất cười hóm hỉnh.
Từ một người lính cảm tử ngoan cường…
Người lính cảm tử năm xưa giờ đã bước sang cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng những kí ức về một thời bom đạn ác liệt mà hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của ông. Nhấp một ngụm trà, ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện "đời lính" của mình bằng một chất giọng trầm trầm đầy xúc động.

Cậu bé Chu Văn Xuất, sinh năm 1929, nay thuộc thôn Cát Động, Kim Bài, Thanh Oai, Hà Tây. Bôn ba kiếm sống trên đất Sài Gòn từ năm 12 tuổi, cậu đã chứng kiến sự tàn bạo dã man của thực dân Pháp. Sinh ra vào thời điểm đất nước lâm nguy, dù tuổi còn rất nhỏ nhưng cậu bé Xuất đã sớm nhận ra con đường cách mạng là con đường duy nhất để giúp dân mình thoát khỏi cảnh lầm than.

Ông chính thức tham gia cách mạng năm 17 tuổi, hoạt động trong liên quân quyết tử Sài Gòn - Chợ Lớn với nhiệm vụ khoá chặt chân địch lại để chiến trường miền Bắc rảnh tay tiêu diệt những binh đoàn thiện chiến của đế quốc Pháp. Đến năm 1950 thì bị địch bắt, từ đây ông phải chịu đựng những đòn tra tấn dã man và bị đưa đi hết nhà tù này đến nhà tù khác.

Nhớ lại quãng thời gian này giọng ông lộ vẻ căm phẫn: "Hằng đêm chúng đưa anh em tù đi thủ tiêu. Dã man hơn nữa, chúng đưa anh Nhơn vào núi Sam, buộc bông kín đầu rồi tẩm dầu đốt cho chết dần ở nhà tù Châu Đốc…", rồi ông nghẹn ngào: "Còn về chế độ nhà tù thì quá hà khắc, ngày ngày anh chị em tù bị đánh đập và tra tấn rất khủng khiếp chứ nói chi đến ăn uống. Nhiều người trong số đó không chịu nổi đã hi sinh trong tù…".

Sau 4 năm tù đầy ông được trao trả tự do khi chiến tranh chống Pháp thắng lợi. Khi được hỏi: Gian khổ thế có khi nào ông muốn từ bỏ cách mạng không? Ông lắc đầu: "Trải qua những năm tháng hoạt động rồi tù đầy gian khổ nhưng những chiến sĩ biệt động vẫn trơ như đá, vững như đồng. 20 năm chống Mỹ tiếp theo, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ những chiến sĩ ấy lại lao vào cuộc chiến đấu mới. Lòng khát khao độc lập và tình yêu quê hương đất nước không kẻ thù nào khuất phục được…".

…Đến câu chuyện của ông cụ ba lần đạp xe xuyên Việt

Ước mơ được đạp xe suốt chiều dài đất nước được ông Xuất ấp ủ từ khi còn là một anh lính cảm tử ngày ngày đạp xe hàng trăm cây số bán kem, bán bánh mì…che mắt địch. Khi đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, ước mơ ấy lại càng cháy bỏng hơn bao giờ hết. Hai cuộc chiến tranh đi qua, ông tập trung chăm lo cho gia đình để làm tròn bổn phận của người chồng, người cha.
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Cụ Xuất bên chiếc xe đạp dã chiến.

Người chiến sĩ năm xưa buông tay súng cầm cái cày, cái cuốc lao vào cuộc chiến đấu mới trên mảnh đất quê hương nhưng ước mơ xuyên Việt vẫn luôn cháy âm ỉ trong ông, không lúc nào nguôi. Đến năm 70 tuổi, khi ba người con của ông đã ổn định gia đình, ông quyết tâm thực hiện mong ước ấy.

Đó là lần đầu tiên trong ba lần ông thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp của mình. Lần thứ nhất năm 1999 có lộ trình: Hà Tây - Đà Nẵng, lần thứ hai năm 2002: Hà Tây - TP HCM. Vẫn chưa thoả mong ước lần thứ ba ông quyết định đạp xe từ Hà Tây đến Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) rồi xuất phát từ đây đến mũi Cà Mau, lúc này ông đã bước sang tuổi 75. Sợ con cái can ngăn, ông "lặng lẽ" khởi hành từ 2h sáng mang theo lương khô và dụng cụ sửa xe đạp, khi đến Huế mới báo tin cho gia đình biết.

Nở một nụ cười hiền hậu, ông bộc bạch: "Dẫu biết sức mình không còn khoẻ nhưng cái nghị lực và cái "chất lính" đã ăn sâu vào máu thịt của tôi, đã muốn cái gì là quyết cho kì được. Chiến tranh đã tôi luyện cho người lính lòng lạc quan đến kì lạ, tôi luôn tin là mình sẽ thành công. Chuyến đi này cũng coi như tâm nguyện cuối đời của tôi…". Ngày đi đêm nghỉ, mỗi ngày cụ Xuất đạp xe trung bình được 60km qua mỗi chặng đường theo chiều dài đất nước ông lại nghỉ lại, cuốn "Nhật kí xuyên Việt" mỗi ngày lại dày thêm bởi những dòng cảm xúc bày tỏ sự khâm phục trí lực của ông, cùng những dấu đỏ "chứng nhận cụ Xuất đã qua đây!".

Chỉ tay vào mỗi dòng trong cuốn sổ ông run run kể cho tôi nghe kỉ niệm qua mỗi chặng đường: "Đây là chữ của phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn…hôm đó trời rét lắm. Đây là tâm sự của ông Tiếu - chỉ huy cũ của tôi, gặp tôi ông mừng chảy nước mắt…". Ông cụ 80 kể lại rành rọt những kỉ niệm trên suốt chặng đường, thỉnh thoảng là những khoảng lặng nhường chỗ cho cảm xúc.

Cụ bà Hà Thị Tâm nói: "Tôi rất tự hào về chồng mình. Ông ấy muốn làm gì không ai ngăn được, nhưng từ trước đến giờ tôi luôn ủng hộ mọi quyết định của ông ấy…" Còn ông Hưng, "bạn tù" của ông khi bị địch giam cầm ở Trại tù binh đoàn Đông Dương, là một chính trị viên kiêm chỉ huy quân sự khu Đông Thành (Mặt trận quân sự Hà Nội), nay vẫn thường xuyên qua lại với ông Xuất như đôi bạn già tri kỉ, chia sẻ: "Ông ấy tuổi đã cao đi lại một mình rất nguy hiểm. Nhưng khi ông ấy bày tỏ dự định của mình tôi cũng không dám can ngăn. Quen nhau trong tù, rồi lại thân thiết mấy chục năm tôi hiểu tính ông ấy. Nói thật tôi thực sự nể phục ông ấy vì điều này, nếu còn sức tôi cũng muốn đi…".

Nhắc lại những kỉ niệm đáng nhớ, giọng ông Xuất chợt trở nên tươi vui: "Lúc ở Lạng Sơn, trời xuống dưới 0°, tôi phải vào nhà một người dân bản đốt sưởi nửa ngày mới đi tiếp được. Rồi cái lần ngủ trên đèo Hải Vân, lúc đó còn chưa có hầm như bây giờ…Có lần cũng ốm tưởng không đi tiếp được ở Bố Trạch - Quảng Bình, lắm lúc gặp mưa quất như roi vào mặt… nhưng khi qua eo biển gió biển mằn mặn táp vào mặt lại cảm thấy lòng mình phơi phới quên hết mọi mệt nhọc, thấy yêu quê hương đất nước mình hơn…".

Ai được nghe ông kể, được thấy ánh mắt sáng ngời cùng giọng nói hào hứng đến độ lắm lúc phải dừng lại lấy hơi mới thấy, mới cảm nhận hết được niềm hân hoan được ngắm nhìn quê hương đất nước, được thăm lại bạn bè cũ chiến trường xưa của ông.

Dừng lại một trang trong cuốn "Nhật kí xuyên Việt", ánh mắt ông chợt đượm buồn, ông nhờ tôi đọc lại: "…Cuộc đi đã kết thúc tốt đẹp, chứng tỏ người già mà trí không già. Là một người trong liên quân quyết tử Sài Gòn - Chợ Lớn cũ, tôi rất hoan nghênh bác Xuất, nếu không ngờ bị xuất huyết não, bại liệt chân tay thì tôi cũng theo bác đi suốt Nam, Bắc một lần. Rất tiếc tôi không còn dịp được cái may mắn ấy!". Ánh mắt ông nhìn xa xăm nói với tôi mà như tự nói với mình: "Ông Hà Ngọc Tiếu, nguyên lãnh đạo tổng cục cảnh sát, nội vụ những năm 46-48 đấy. Ông ấy vừa mới mất…".

Trước khi ra về ông Xuất vừa cười vừa bảo tôi: "Được chiến đấu vì đất nước, được góp phần xây dựng quê hương, được thực hiện ước mơ xuyên Việt…khi về với các cụ tôi có thể cười mãn nguyện được rồi…". Trước ông, tôi thấy mình bé nhỏ quá!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...