Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Phượt trên con đường hạnh phúc

 Khi vượt đỉnh núi cao 2.000m thuộc cao nguyên Đồng Văn đến ngọn đèo Mã Pí Lèng, nối liền thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc thuộc địa phận Hà Giang, chúng tôi nhận ra mình đang đi trên con đường mang tên hạnh phúc.
Những chặng đường dài
Vượt qua hành trình hơn 1.000km từ Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên bằng xe máy, 12 người chúng tôi phải mất 8 ngày. Hạnh phúc nào hơn khi những tâm hồn đang gò bó nơi phố thị được bung ra để hòa mình với thiên nhiên.
Nếu ví cuộc đời là một chuyến đi dài nhiều chông gai, thì chúng tôi tự hào đã vượt qua một đoạn đường khó khăn trong cuộc sống, mang về những kỹ năng mới, tình yêu và hơi thở mới.

Đông Bắc là nơi ấm áp của tiếng cười trẻ con người Mèo, Dao đỏ đáng yêu 

Đồng Văn, Lũng Cú, Mèo Vạc, Ba Bể là các danh thắng mà chúng tôi đi qua. Nhưng có những cái tên lạ lẫm hơn mà bất cứ ai cũng cố nhớ lấy, có thể là tên đường, tên người hay thôn xã như Ma Lé, Nà Phặc, Lũng Pù, Xín Cái, Lau Và Chải… bởi vì nó là “đặc sản” chỉ có ở nơi đây.
Nếu nói cung đường Tây Bắc là thiên đường của ruộng bậc thang với Mù Cang Chải, Chế Cu Nha, Y Tý thì Đông Bắc là nơi ấm áp những tiếng cười của trẻ con người Mèo, Dao đỏ đáng yêu.
undefined
Tâm hồn phố thị như được bung ra để hòa mình với những ruộng bậc thang đẹp mê hồn 

Đến Cổng trời để nói lời yêu thương
Tình yêu luôn đồng hành cùng những thử thách và mùa xuân nơi rẻo cao, cái lạnh giá, chén rượu ngô đã làm cho cảm xúc dâng tràn để người ta có dịp bày tỏ. “Tôi yêu bạn” là những gì chúng tôi san sẻ cùng nhau khi quây quần bên ngọn lửa và ly rượu ngô thơm ngọt sau những chặng đường mệt nhọc, vượt qua những đỉnh đèo chót vót được gọi là Cổng trời.

Cảm xúc dâng tràn với thiên nhiên và con người của vùng rẻo cao 

Nhìn ngắm hoàng hôn ở thung lũng Ba Bể, chặng cuối của hành trình, tôi chợt nhận ra rằng hạnh phúc là một quá trình, không phải một điểm đến. Hãy sống thật lòng, yêu thương và trải nghiệm tất cả vì tình yêu luôn ở đó, ở một cổng trời riêng của bạn. Tiếp tục đi để khám phá, trải nghiệm và tìm thấy con đường hạnh phúc của riêng mình.
undefined

Em bé vùng cao
Nhìn ngắm hoàng hôn ở thung lung Ba Bể, chặng cuối của hành trình tôi chợt nhận ra rằng hạnh phúc là một quá trình, không phải một điểm đến. Hãy sống thật lòng, yêu thương và trải nghiệm tất cả vì tình yêu luôn ở đó, ở một cổng trời riêng của bạn. Tiếp tục đi để khám phá, trải nghiệm và tìm thấy con đường hạnh phúc của riêng mình.



Kinh nghiệm phượt xe máy theo đoàn
- Không nên đi xe tay ga, vừa hại xe vừa nguy hiểm khi lên dốc xuống dốc.
- Chạy cách nhau tối thiểu 10m, nếu không sẽ đâm xe liên hoàn khi xe đầu bị đổ. Nhất là khi xuống dốc.
- Khi lên dốc, nếu vít ga không thấy gì là do máy quá nóng. Phải dừng lại, nghỉ 15 phút chờ máy nguội. Tuyệt đối không phun nước vào máy vì sẽ gây nứt.
- Các xe phổ thông, đời không quá cũ thì phanh trước là đĩa, phanh sau là cơ (phanh đùm). Khi lên dốc, khói xe khét, phanh sau không khét. Khi xuống dốc, khói xe không khét nhưng phanh sau khét. Nếu cảm thấy mùi khét phát ra ở máy chứ không phải ở đuôi xe (nơi có ống xả và phanh sau) thì phải dừng lại xem xét.
- Nếu cảm thấy xe trôi dốc quá nhanh cần bóp kết hợp hai phanh đồng thời trả về số 3, thậm chí số 2 để hãm bớt sự tuột dốc.

Những hình ảnh ấn tượng về Việt Nam trên Reuters

Thông tấn xã Reuters vừa đăng tải một bộ ảnh ấn tượng về Việt Nam, từ những thiếu nữ Hà Nội duyên dáng áo dài, đến không khí cuồng nhiệt mỗi khi đội tuyển bóng đá quốc gia chiến thắng.
Thiếu nữ Hà Nội duyên dáng trong tà áo dài. 

Hình ảnh bình dị ở Sapa.

Nữ cảnh sát giao thông xinh đẹp đang làm nhiệm vụ ở thủ đô Hà Nội.

Bầu trời Hà Nội khi trời nổi giông bão.

Những chú chim đua nhau khoe giọng hót ở một góc phố Hà Nội.

Cờ đỏ sao vàng ngợp trời, sau khi Việt Nam thắng Singapore trong giải AFF Cup tháng 12/2010.

Hà Nội về đêm.

Khung cảnh thanh bình của một khúc sông Đáy.

Các thiếu nữ Việt Nam trong một lớp học múa ballet.

Sương mù buổi sớm ở Sapa.

Quang cảnh một buổi bốc mộ ở Nghĩa trang Văn Điển.

Các bé mới sinh ở Viện Nhi Trung ương.

Thung lũng Mường Thanh ở Điện Biên Phủ, nơi từng là một chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Pháp.

Đường phố Hà Nội về đêm.

Sapa bảng lảng khói sương.

Một em bé người dân tộc ngủ ngon trên lưng mẹ ở Sapa.

Một khách hàng đang được đắp mặt nạ vàng ở trung tâm Spa Việt Mỹ, Hà Nội.

Các chiến sĩ hải quân diễu hành trong lễ đón Tổng thống Kazakstan, Nursultan Nazarbayev, bên ngoài Phủ Chủ tịch hồi tháng 10/2011.

Độc đáo những cây cầu ngói Việt Nam

Không phổ biến như cầu sắt, cầu đá hay cầu gỗ thông thường, cầu ngói là một dạng kiến trúc độc đáo và hiếm thấy nhất ở Việt Nam. Những cây cầu uốn cong như cầu vồng, có tuổi đời mấy trăm năm, lợp mái ngói cổ kính, nằm soi mình bên dòng nước trong xanh đã mang đến cho phong cảnh làng quê Việt một vẻ đẹp thật đặc biệt, khó quên.
Cầu ngói Phát Diệm, Ninh Bình
Cùng với công trình Nhà thờ đá, cầu ngói Phát Diệm là một công trình kiến trúc dân gian đặc sắc ở vùng công giáo Kim Sơn. Đây là cây cầu vừa mang chức năng giao thông, vừa là mái đình làng cổ kính, thân thuộc đối với người dân nơi đây.
Cầu bắc qua sông Ân, nằm ở trung tâm thị trấn Phát Diệm, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 30km. Cầu ngói là chiếc cầu vồng bằng gỗ 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian, với tổng chiều dài 36m, chiều rộng 3m. Hai bên thân cầu có hai dãy lan can và cột đều bằng gỗ lim, trên cầu có mái che lợp ngói đỏ cổ truyền, hai bên đầu cầu có bậc tam cấp nối xuống đường và bước xuống sông.
Từ một vùng đất sình lầy ven biển, đỏ nặng phù sa, năm 1829, huyện Kim Sơn được ghi vào bản đồ Việt Nam. Cùng với việc lập làng, Nguyễn Công Trứ cho tiến hành xây dựng các công trình thuỷ lợi. Trước hết là việc đào con sông Ân nối sông Vạc với sông Càn để lấy nước ngọt. Việc đào kênh mương được tiến hành song song với việc làm đường, quật thổ, bồi cư, phân chia địa giới. Công trình cầu ngói ra đời trong hoàn cảnh đó. Từ năm 1876, cầu ngói được xây dựng với toàn bằng gỗ và ngói. Sàn cầu lúc ấy là những tấm gỗ ván dài đến 10m được đóng vào dàn khung dầm cầu bằng những cây đinh đóng thuyền; cột chân cầu bằng gỗ, những cây gỗ lớn cỡ hai vòng tay người ôm mới xuể, nó liên tục được gia cường tu bổ để phục vụ nhu cầu đi lại, đây cũng là con đường chính để người dân tiến ra lấn biển... Trải qua thời gian, mưa nắng, sàn gỗ của cây cầu đã được thay thế, con sông và hai bên đường được bê tông hóa khá kiên cố nhưng cây cầu với mái ngói cổ kính, trầm mặc vẫn mãi là niềm tự hào của những người dân vùng đất mở Kim Sơn.
Cầu ngói chùa Lương, Nam Định
Cầu ngói chùa Lương ở xã Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định được xây dựng cách đây chừng 300 - 400 năm vào thời Lê, là một trong những cây cầu cổ đẹp nhất miền Bắc Việt Nam.
Cầu bắc ngang sông Trung Giang, cách chùa Lương khoảng 100m, nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa, gắn với ngôi chùa thành một cụm di tích. Chùa Lương (hay còn gọi là chùa trăm gian) tên chữ là Phúc Lâm Tự được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509 - 1515) cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, khi việc quai đê lấn biển đã giành nhiều kết quả.
Toàn bộ cầu gồm 9 gian, với 40 cột tròn, tất cả bằng gỗ lim, hai bên hai dãy hành lang dài làm ghế nghỉ chân. Cầu được bắc trên 18 cột đá hình vuông to đẹp; với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỷ, đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật rất cao, khéo léo tạo bộ khung nhà cầu cong cong uốn lượn mềm mại, mái ngói hình mũi hài âm dương trông như con rồng duyên dáng đang vươn mình bay lên. Chạm khắc trên cầu tuy đơn giản song thể hiện hài hòa nét kiến trúc cổ truyền. Cầu là nơi đi lại và dừng chân để khách bộ hành nghỉ ngơi, ngắm cảnh sông nước, làng quê.
Cầu ngói Thanh Toàn, Huế
Cầu ngói bắc qua một con mương chảy từ đầu làng đến cuối làng Thanh Toàn, thuộc xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm thành phố Huế chừng 8km theo đường bộ về phía đông.
Làng Thanh Toàn được thành lập vào thế kỷ 16. Những di dân từ đất Thanh Hóa theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, có 12 vị tộc trưởng đã dừng chân lập nghiệp ở đây, tạo nên 12 họ khai canh của làng. Một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần là bà Trần Thị Ðạo đã cúng tiền cho làng xây dựng chiếc cầu gỗ để dân làng qua lại được thuận tiện, khỏi phải dùng đò ngang. Ðây cũng là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân.
Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vồng bằng gỗ, được xây dựng theo lối thượng gia hạ kiều (trên nhà, dưới cầu), dài 17m, rộng 4m. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian.
Cầu ngói Thanh Toàn là một di tích kiến trúc cổ, rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá và còn là một thắng cảnh. Chiếc cầu được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ, đã bao lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau các lần hư hỏng, nhân dân xã đều chung nhau tu sửa, tôn tạo và gìn giữ nó.
Với tinh thần "uống nước nhớ nguồn" và tôn trọng di sản văn hoá, nhiều thế hệ dân làng Thanh Toàn đã gìn giữ công trình kiến trúc độc đáo này của Huế. Tháng 9/1991, cầu được trùng tu lớn theo qui mô cũ và chính thức được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận Di tích quốc gia, trở thành danh thắng quý hiếm của cả nước.
Chùa Cầu - Biểu tượng của Hội An
Chùa Cầu - tên gọi chung cho tổ hợp kiến trúc gồm ngôi chùa nhỏ gắn kết vào sườn phía Bắc cây cầu cổ lợp ngói trong Khu đô thị cổ Hội An (nay là thành phố Hội An), thuộc tỉnh Quảng Nam.
Chiếc cầu dài 18m với bảy gian bằng gỗ, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Hoài (một nhánh sông Thu Bồn) nối giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú của Hội An. Cầu có dáng uốn cong mềm mại, nhiều họa tiết đẹp. Cầu và chùa đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu. Mặt chùa quay về phía bờ sông, mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu.
Chùa Cầu là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17. Cây cầu còn có các tên khác là cầu Nhật Bản hay cầu Lai Viễn do chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An năm 1719 đặt tên, với hàm ý sẵn lòng đón đợi bạn phương xa đến.
Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù (mamazu) - một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản. Cứ mỗi lần con Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất... Chùa Cầu được coi như một thanh kiếm chằn ngang lưng con Cù, “trấn yểm” loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình.
Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người.
Với người dân phố Hội, Chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 6 lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó. Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1990 và hình ảnh Chùa Cầu có trên tờ tiền polymer 20.000 đồng của Việt Nam hôm nay.
Nơi đây mãi là điểm đến không thể thiếu trong tour du lịch Đà Nẵng - Hội An. Khách du lịch đến Hội An mà chưa ghé thăm Chùa Cầu thì coi như chưa đến. Đến rồi thì lưu luyến nhớ thương: “Ai đi phố Hội, Chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai/ Để sầu cho khách vãng lai/ Để thương để nhớ cho ai chịu sầu…”

3 khu du lịch thiên nhiên quanh Hà Nội cho ngày nghỉ lễ 30/4

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới không quá ngắn nhưng chưa đủ dài để các gia đình có thể đi chơi xa. Lựa chọn một điểm nghỉ hợp lý xung quanh Hà Nội là ưu tiên số 1. Mời bạn cùng tham khảo 3 địa điểm thú vị dưới đây:

Khu du lịch hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Ðức)

Khu du lịch rộng 850 ha, nằm trên địa bàn năm xã của huyện Mỹ Ðức. Ðây là một quần thể hồ, núi, rừng cây rộng lớn. Du khách có thể cắm trại, đi bơi thuyền, câu cá, leo núi, tắm hồ... thăm các động Linh Sơn, Ngọc Long... Ở đây còn có nhiều ngôi chùa cổ như chùa Linh Sơn, chùa Cao, chùa Hàm Yến...
Qua Cầu Ðông, điểm đầu tiên bạn đặt chân tới là bến đò hồ Giang Nội. Giang Nội là một trong 3 hồ lớn của Quan Sơn, rộng ước chừng trên 800ha. Ðứng trên bờ, bạn đã nhìn thấy những dãy núi đá trùng điệp của thiên nhiên soi mình dưới làn nước xanh mát của hồ.
Núi ở đây có tới 20 ngọn lớn, nhỏ, kéo dài ôm ấp các hồ nước. Lại có nhiều hòn núi đá vách dựng đứng nằm giữa lòng hồ trông xa như những bán đảo nhỏ.

Thuyền sẽ lần lượt đưa bạn thăm hồ Quan Sơn và ghé thăm những ngọn núi với nhiều tên gọi khác nhau : núi Trâu Trắng, đảo Sư Tử, núi Quai Chèo, đồi Voi Phục... Đến núi Quai Chèo, bạn có thể leo núi hoặc vào rừng cây chơi rồi tiếp tục tới khu Ðầm Sen, vòng quanh đảo Sư Tử, núi Treo Tranh, thăm Linh Sơn Ðộng, Ngọc Long Ðộng.
Mỗi động là một kỳ quan kỳ thú của tạo hoá với những măng đá, nhũ đá mang hình Long, Ly, Quy, Phụng, hổ báo, chim muông. Vào mùa mưa, từ trên các triền núi cao, thác nước ngày đêm đổ xuống mặt hồ, tung bọt trắng xoá khiến cảnh sắc nơi đây thêm ngoạn mục.
Vượt qua núi đá Trượt, lên đập Tràn Ngái, bạn có thể thoả sức hít thở bầu không khí trong lành và ngắm nhìn toàn cảnh khu du lịch Quan Sơn. Núi non trùng điệp uốn lượn quanh hồ, điểm xuyến thêm là màu xanh của rừng, của các đồng lúa đã tạo nên một Quan Sơn đầy ấn tượng.

Quan Sơn còn có nhiều chùa. Chùa Linh Sơn nằm ở ngay chân núi Linh Sơn, soi bóng xuống hồ Giang Nội. Chùa được xây dựng theo kiến trúc cổ thế kỷ 17. Tương truyền chùa có từ thời nhà Mạc. Cạnh chùa là động Linh Sơn. Ðộng không lớn nhưng có nhiều nhũ đá rủ xuống lung linh huyền ảo. Ngoài ra còn có chùa Cao, chùa Hàm Yến .  

Khu du lịch rừng tự nhiên Bằng Tạ 
Khu du lịch rừng tự nhiên Bằng Tạ nằm trên một quả đồi thấp, thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 65km về phía Tây, cách khu du lịch Ao Vua 14km và hồ suối Hai 3,8km. 

Với số lượng động thực vật phong phú, Bằng Tạ không chỉ là địa danh thu hút khách đơn thuần mà còn là nơi bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái đa dạng và nghiên cứu thiên nhiên, động vật hoang dã. Tổng diện tích toàn bộ khu du lịch là 26,5ha, trong đó riêng diện tích rừng nguyên sinh hơn 17ha.
Bằng Tạ là rừng nguyên sinh gồm 4 tầng cây khép kín tán. Hiện tại, khu vực Bằng Tạ có các loài chim lặn, hạc, cắt, sếu, bồ câu, cu cu, sả, gõ kiến, sẻ và các loài bướm... Trong rừng nguyên sinh hiện có trên 200 con khỉ, sống theo từng bầy đàn... 

Đến với rừng nguyên sinh Bằng Tạ, du khách có thể thuê xe bò kéo, cưỡi ngựa hoặc đi bộ chứ không được phép đi các loại động cơ. Đây là điều rất độc đáo của khu du lịch này. Trong tương lai, khu rừng này sẽ được trồng thêm nhiều loài lan quý như hoàng thảo, địa lan, lan hài..., nuôi thả bán tự nhiên thêm một số loài động vật như nai, hoẵng, lợn rừng, hươu sao, hổ, báo, gấu, linh trưởng... để du khách có thể thỏa sức ngắm nhìn và tìm hiểu cuộc sống của các loài thú hoang dã. 
Phía Bắc của rừng là đầm Long, một hồ nước rộng mênh mông được cải tạo thành các hồ sen, tạo cảnh quan môi trường tự nhiên hấp dẫn. Đầm Long là nơi cư ngụ của các loài động vật, bò sát như cuốc, bìm bịp, tắc kè, thằn lằn, kỳ đà họ rắn nước, rắn hổ chúa...Đầm Long không phù hợp lắm với người lớn nhưng lại rất phù hợp với các bé.Sau khi tham quan rừng nguyên sinh, du khách có thể ra bơi thuyền quanh đầm, thả câu hoặc chèo thuyền tới các khu nhà nổi giữa đầm... Quanh bờ đầm Long là những rặng tre, nơi các loài chim về đậu và làm tổ.


Đến với Bằng Tạ du khách sẽ có cơ hội được hít thở bầu không khí trong lành, dạo chơi cùng những loài vật yêu quý, thưởng thức các đặc sản của vùng rừng núi Ba Vì hay tham quan một quần thể làng của dân tộc Mường với nhiều nhà sàn và các hoạt động văn hóa sinh động như đốt lửa trại, uống rượu cần, nghe ca múa nhạc dân tộc...  

Nếu ai đó có nhu cầu dã ngoại, sẽ được cung cấp lều bạt, và được hướng dẫn tận tình khu cắm trại và đốt lửa trại. Trong quần thể khu du lịch này cũng xây dựng một khu chợ quê dùng làm nơi giao lưu văn hóa các dân tộc, bán hàng thổ cẩm, phục vụ đặc sản văn hóa ẩm thực. 
Hồ Tiên Sa
Khu du lịch Hồ Tiên Sa – Ba Vì có diện tích 150ha, ở độ cao 65-400m trong đó 120ha là rừng, hơn 20ha mặt nước. Cánh rừng xanh tốt phủ trên sườn núi, trên những quả đồi bao quanh và hồ nước rộng mênh mông, trong vắt đã tạo ra một vùng tiểu khí hậu ôn đới trong lành, mát mẻ. Nó cũng tạo cho khu du lịch Hồ Tiên Sa một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. 

Hồ Tiên Sa có diện tích 20 ha, nước trong vắt quanh năm, trên đó có những chiếc nhà nổi để du khách ngồi hưởng thú vui câu cá hay thả hồn bồng bềnh theo nhịp sóng nước. Những đôi bạn trẻ thường chọn cho mình một chiếc thuyền phao để đùa vui cùng sóng nước. Ở đây cũng có xuồng cao tốc để phục vụ khách thích môn lướt ván và đưa du khách thăm vòng quanh hồ.

Ngoài vẻ đẹp tự nhiên với núi rừng mây nước còn mang nét hoang sơ những công trình nhân tạo trong khu du lịch cũng rất hấp dẫn du khách. Tất cả các công trình xây dựng nơi đây đều theo lối kiến trúc truyền thống phương Đông với những đường nét cầu kỳ, tinh tế, màu sắc tươi tắn hài hoà.
Cổng Ngũ Phúc, cầu Thuận Thiên, lầu Liên Hoa, lầu Uyên Ương, khách sạn Viên Sơn… với mái ngói đỏ tươi, những đầu đao cong vút nổi lên giữa màu xanh của cây lá, mây trời giống như một bức tranh thuỷ mạc, làm say lòng du khách.
Dựa vào điều kiện tự nhiên, khu du lịch Hồ Tiên Sa được chia thành nhiều khu vực với các hình thức giải trí phong phú đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng khách du lịch.

TP. Hồ Chí Minh đón khoảng 1,25 triệu lượt khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm 2012

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh vừa cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2012, Thành phố đã thu hút khoảng 1,25 triệu lượt khách quốc tế, tăng 9% so với cùng kỳ và đạt gần 33% kế hoạch năm.
Tính riêng trong tháng 4/2012, khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh ước đạt 275.000 lượt khách, tăng 10% so với với cùng kỳ năm 2011. Trong đó khách đến bằng đường hàng không là 242.000 lượt người, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2011; khách đến bằng các đường khác ước tính là 33.000 lượt người, tương đương với mức cùng kỳ năm 2011. Doanh thu ngành du lịch trong tháng 4 ước đạt 5.800tỷ đồng. Như vậy, tổng doanh thu du lịch 4 tháng đầu năm 2012 của Thành phố ước đạt 23.000 tỷ đồng, đạt 33,8 % kế họach năm 2012.
Thời gian qua, trong lĩnh vực du lịch, Thành phố đã hoàn thành theo đúng tiến độ hầu hết tất cả các chương trình, kế hoạch đã đề ra. Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các chương trình như: Phát triển sản phẩm du lịch đường sông, TP. Hồ Chí Minh – 100 điều kỳ thú, dịch vụ đạt chuẩn du lịch, nghệ thuật phục vụ khách du lịch… Các sự kiện du lịch được Thành phố tổ chức quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, nội dung phong phú đa dạng, chú trọng tới chiều sâu.
Trong tháng 4 này, Thành phố cũng đã tổ chức thành công Ngày hội Du lịch 2012, với sự tham gia của 200 ngàn lượt người đã thật sự tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch gặp gỡ trực tiếp người tiêu dùng để giới thiệu, chào bán các sản phẩm và dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn nhằm kích cầu du lịch trong cư dân Thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước. Hơn thế nữa, sự kiện năm nay đã khẳng định hướng đi của du lịch TP.Hồ Chí Minh trong thời gian tới, đó là xây dựng một chiến lược phát triển du lịch trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm, nâng chất lượng công tác quảng bá xúc tiến, phát triển thương hiệu và bản sắc riêng./.

Lộc vừng Hồ Gươm thay lớp 'áo vàng'

 Chỉ một thoáng người Hà Nội lơ đãng, ngoảnh lại lộc vừng Hồ Gươm đã kịp thay sắc lá. Một khúc vàng quen thuộc nổi bật giữa dải xanh mướt phủ kín mặt hồ.
Hay tin lộc vừng Hồ Gươm vừa thay lá, khách bộ hành đã kéo tới đông nghịt.

Cây lộc vừng này đã tồn tại lâu đời bên Hồ Gươm Hà Nội. Gốc cây "nổi tiếng" nằm ở góc đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn nhìn chéo sang tượng đài Lý Thái Tổ. Hàng năm, cứ vào độ qua Tết Đoan Ngọ, nắng ấm tràn về miền Bắc là cây trút lá vàng. Giống cây lộc vừng thay lá rất nhanh. Chỉ độ vài tuần là "áo cây" đã từ xanh hoá vàng, từ vàng lại hoá xanh mơn mởn.
Mới chỉ 3 - 4 ngày trở lại đây, sắc lá lộc vừng đã thay đổi hẳn, trông xa chỉ thấy một màu vàng rực. Thế nhưng, người tinh ý vẫn nhìn ra cây mới đang trong giai đoạn "chuyển mình", sắc vàng chưa thể nhuộm kín vòm cây. Nhiều cành nhánh trên cây vẫn còn nhiều lá xanh, lá rụng cũng chưa nhiều. Những người sành ngắm lộc vừng tiên liệu, nếu nắng ấm kéo dài, chỉ một - hai tuần nữa là cây rụng hết lá.

Mỗi cành, nhánh đều hằn lên dấu vết của thời gian nhưng gốc cây vẫn còn đó qua bao đời. Và mỗi mùa xuân hạn thu đông lại thay áo mới, khi thì mướt xanh, lúc đổ lá vàng, lúc ra hoa đỏ thắm.

Treo trên vòm cây là những bóng đèn hình cầu với đủ màu xanh đỏ, điểm tô cho sắc lá khi Hà Nội về đêm.

 Dưới tán cây, lá vàng rụng rơi tạo thành sân chơi cho trẻ nhỏ. Dịp cuối tuần, nhiều gia đình đưa con tới chơi bên gốc lộc vừng.

Các bé trai thường nghĩ ra nhiều trò nghịch ngợm thay vì dừng lại chụp ảnh cùng gia đình.

 Nụ cười viên mãn của người già bên những mái đầu xanh. Gốc lộc vừng trở thành khoảng lặng hiếm hoi giữa lòng thành phố. Nơi ai đi qua cũng phải ngoảnh nhìn và thốt lên "Hà Nội đẹp quá".
 
 Lộc vừng Hồ Gươm cũng là nơi nhiều bạn trẻ tìm đến ghi lại những khuôn hình lãng mạn.

 Các cặp tình nhân thì chọn cách thi vị hơn, ngồi bệt ven hồ, vừa ngắm cây lá sà xuống mặt nước, vừa hít thở bầu không khí trong lành.

 Nhánh cây lộc vừng rủ xuống Hồ Gươm lác đác lá xanh xen lẫn lá vàng.

 Lộc vừng và Tháp Rùa lặng lẽ "ngóng trông" nhau.

Lá vàng rụng rơi cũng là lúc chồi non của lộc vừng vươn mình thức giấc.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...