Thiếu người quản lý
Để được cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp theo quy định của NĐ 94 thì DN phải có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất rượu có nguồn gốc hợp pháp. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương thì hiện ở phía bắc mới chỉ có Cty CP cồn rượu Hà Nội (Halico), Cty Avina và Erreson là có đủ dây chuyền thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất rượu theo đúng quy định của NĐ 94. Phần lớn các NM sản xuất rượu hiện nay không làm từ đầu, mà chỉ mua nguyên liệu về sản xuất nên chất lượng rượu rất khó kiểm soát.
Để được cấp giấy phép sản xuất rượu, theo một vị phó chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát cho biết, các DN sẽ đối phó bằng cách đi mua rượu tốt về đóng chai mang đi đăng ký. Còn sau đó, việc pha cồn thành rượu như thế nào, chất lượng ra sao... ít được cơ quan chức năng quản lý. Chính vì sự buông lỏng này nên mới  xảy ra chuyện rượu có nồng độ methanol độc hại cao gần 2.000 lần cho phép, dẫn đến tử vong đối với người sử dụng như ở Quảng Ninh vừa qua. 
Nói về việc kiểm tra, kiểm soát các DN sản xuất rượu, ông Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho biết: Theo NĐ 38/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm (ATTP) thì hiện Bộ Y tế vẫn là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp quy của DN và công bố phù hợp với quy định ATTP. Trên thực tế, Bộ Y tế cũng chính là đơn vị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện cho DN sản xuất rượu là Cty CP XNK 29 Hà Nội được sản xuất kinh doanh rượu ra thị trường...
Theo quy định, Bộ Công Thương cấp phép cho các dự án sản xuất kinh doanh rượu có quy mô từ 3 triệu lít/năm trở lên. Các sở công thương cấp phép cho các dự án dưới 3 triệu lít/năm. Việc kiểm tra, kiểm soát DN sau cấp phép cũng được phân cấp theo thẩm quyền của các địa phương, nếu không, một mình Bộ Công Thương không thể lấy đâu ra người để đi kiểm tra tới 9 triệu hộ sản xuất kinh doanh rượu hiện có. Tuy nhiên, từ khi NĐ 94 ra đời đến nay, việc đăng ký lại sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở các điạ phương đều do DN tự đăng ký.
Có phân biệt được rượu độc, rượu giả?
Ông Hồ Văn Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát VN - cho biết: Loại rượu trắng được pha chế từ cồn methanol khi nếm vào đầu lưỡi có vị ngọt nhẹ, khác hẳn với loại rượu được chiết từ công nghệ thủ công hay pha chế từ cồn ethanol.
Theo Cục Quản lý thị trường,  11 tháng năm 2013, đã tịch thu, tạm giữ 10.328 chai, lít rượu các loại gồm: 5.127 sản phẩm nhập lậu, 1.182 sản phẩm vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, 2.912 sản phẩm vi phạm về nhãn hiệu, 785 đơn vị sản phẩm vi phạm về chất lượng công dụng, 198 đơn vị sản phẩm vi phạm về điều kiện ATTP... Ông Phạm Quang Thành - đại diện Hiệp hội Chống rượu giả quốc tế tại Việt Nam (IFSP VN) - cho biết: Từ đầu năm đến nay, IFSP VN phối hợp với các cơ quan chức năng khám xét hơn 30 địa điểm kinh doanh, sản xuất rượu giả, triệt phá gần 10 tổ chức làm hàng giả, khởi tố 7 vụ với 15 đối tượng, thu giữ hơn 600 chai rượu ngoại giả...
Làm thế nào để phân biệt được rượu giả? Đây là một câu hỏi khó. Theo giới kinh doanh rượu thì tem đảm bảo chất lượng dán lên chai chẳng có gì để đảm bảo được đó là tem thật. Còn các chai rượu được sản xuất trong nước do các Cty rượu  sản xuất cũng rất khó phân biệt thật - giả, bởi loại chai dùng nắp nhôm răng cưa để bảo đảm đấy là hàng chính hãng cũng rất dễ bị làm giả, do việc đầu tư một chiếc máy siết nắp nhôm để đóng các loại chai rượu vodka chỉ tốn khoảng 6,5-8 triệu đồng. Chỉ cần gõ vào Google với dòng chữ “máy đóng nút chai rượu vodka” là đã có thể tha hồ tìm được những chiếc máy đóng nắp chai theo ý muốn; còn chất lượng rượu có độc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào “lương tâm” của những người làm rượu giả.
Được biết, loại rượu càng được người tiêu dùng ưa thích thì càng nhanh bị làm giả với khối lượng lớn. Để đối phó với nạn bị làm giả, đã có DN mạnh tay đầu tư dây chuyền nắp chai bằng nhựa lên tới 2 tỉ đồng. Nhưng với loại nắp chai được đầu tư với giá cao như thế, liệu có gì chắc chắn loại rượu này không bị làm giả với chất lượng không đảm bảo an toàn thì chẳng ai dám khẳng định.